Ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần điện tử Asanzo
Ngày: 03/05/2017 lúc 09:27AM
(NB&CL) Trong giới kinh doanh điện tử hàng đầu Việt Nam vài năm trở lại đây, Phạm Văn Tam là một tên tuổi khá quen thuộc, bởi với nhiều doanh nhân trẻ anh là người gây ảnh hưởng đến những quyết định kinh doanh và cách đối nhân xử thế của họ. Và với Asanzo mà anh đã dầy công gây dựng, thì Phạm Văn Tam không chỉ là niềm tự hào mà còn là một thương hiệu của doanh nhân Việt.
Khẳng định kết quả kinh doanh ngày hôm nay có được không phải nhờ may mắn, doanh nhân Phạm Văn Tam cho biết đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, là sự dấn thân, trả giá không chỉ của bản thân anh, mà của cả một đội ngũ nhân viên gần 1.000 người.
Sinh trưởng trong một gia đình không lấy gì làm khá giả ở Móng Cái, Quảng Ninh, cho đến bây giờ, doanh nhân Phạm Văn Tam vẫn còn ám ảnh bởi tuổi thơ quá đỗi cơ cực. Nhà nghèo, là anh trai cả của một gia đình có ba anh em trai, từ nhỏ anh đã phải phụ bố mẹ làm đồ gốm. Rồi làm thuê, đi vác hàng qua biên giới cho thương nhân để kiếm sống, nhưng vẫn không thể thoát nghèo.
Ngày đó, hàng điện tử ở Việt Nam còn rất khan hiếm. Rồi trong một lần tình cờ, có mấy người bạn rủ áp tải hàng vào Nam, nghĩ là sẽ được đi chơi đây đó nên Tam hào hứng đi theo. Và chuyến đi tình cờ ấy đã hút anh lại với mảnh đất phương Nam xa lạ. Đó là thời điểm năm 2002, khi anh vừa tròn 23 tuổi.
+ Dường như anh là người nặng lòng với quá khứ?
– Quá khứ trong tôi luôn là những ngày tháng chứa đựng nhiều bài học quý giá. Tôi là một đứa trẻ không may mắn vì không có tuổi ấu thơ, nhưng chính cái cơ cực và vất vả mà tôi phải chịu đựng suốt thời thơ ấu ấy hình như đã khiến niềm đam mê kinh doanh ngấm vào tôi. Còn cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh một cậu con trai mới lớn cứ rong ruổi suốt ba bốn ngày trời để áp tải một chuyến hàng từ Móng Cái vào Sài Gòn. Cứ mỗi lần đi như thế, người ta trả cho tôi 1 triệu. Vào đến Sài Gòn, ăn nghỉ ở đấy khoảng hai ngày, họ lại mua vé tàu cho tôi ra. Rồi từ Hà Nội, tôi lao lên Móng Cái, lại áp tải hàng vào Sài Gòn. Tôi nhớ có lần bị công an kiểm tra, họ đòi gặp chủ hàng. Tôi nói mình là chủ mà không ai tin, họ tưởng tôi đi nhờ xe vào Sài Gòn để làm diễn viên điện ảnh. Có chút vốn liếng, tôi dành dụm lấy khoảng 20 chiếc TV rồi gửi xe tải đi vào Sài Gòn bỏ mối. Chắt bóp thêm chút nữa, tôi mua được cả xe hàng để chở vào… Nếu tính từ ngày đầu tiên tôi gắn bó với hàng điện tử, thì đến bây giờ cũng đã được cả 20 năm rồi.
+ Anh có nói, trong ba lần gây dựng thương hiệu, lần này là lần được chuẩn bị kỹ nhất, vậy lộ trình của Asanzo là gì, thưa anh?
– Điều khác biệt của Asanzo là ngay từ đầu, tôi đã xác định “miếng bánh” của mình là phân khúc trung bình. Thị trường nông thôn thiếu TV là chuyện đương nhiên, nhưng ngay cả ở thành thị, cứ vào những khu công nghiệp, đến những phòng trọ của công nhân thì sẽ thấy, không có chỗ cho những chiếc TV đắt tiền.
Tôi quan niệm, không phải cứ chi phí sản xuất thấp thì linh kiện kém chất lượng. Asanzo có thể làm ra các sản phẩm giá rẻ hơn các thương hiệu khác vì chúng tôi biết đích xác nhu cầu của người dùng. Những gì không cần thiết, tôi bỏ hết để tiết giảm chi phí. Điều chỉnh những điều chưa hợp lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm là công thức để Asanzo cạnh tranh.
Ban đầu, công ty tôi chỉ có 2 dây chuyền sản xuất. Hàng làm không đủ cung cấp ra thị trường, nên cứ 2-3 tháng tôi lại phải tăng thêm 1 dây chuyền sản xuất. Hiện nay, đã có 7 dây chuyền với lượng hàng bán ra không dưới 40.000 chiếc tivi mỗi tháng. Công nhân của tôi luôn trong tình trạng tăng ca, làm cả ngày nghỉ lễ, chủ nhật.
Bên cạnh việc chỉ chọn phân khúc giá thấp, mô hình kinh doanh của Asanzo cũng rất linh hoạt, bởi không chỉ có TV, Asanzo còn sản xuất các mặt hàng khác như điện gia dụng và điện lạnh. Hiện Asanzo có hơn 200 công nhân đa nghề, họ có thể lắp ráp được cả TV, điện gia dụng và điện lạnh.
Tôi dự định, khi lượng tiêu thụ đạt khoảng 10.000 chiếc/tháng sẽ đầu tư dây chuyền khoảng 100 tỷ đồng để chuyên tâm sản xuất. Dây chuyền này dự kiến nằm trong nhà máy rộng 17.000m2, đặt tại Củ Chi (TP.HCM) với tổng đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, chúng tôi đang dự định sẽ triển khai trong năm nay.
Trong tháng 6 hoặc tháng 7 này, chúng tôi sẽ đưa chiếc smartphone đầu tiên ra thị trường. Đây cũng là màn thăm dò thị trường của Asanzo. Chiếc điện thoại đầu tiên của thương hiệu Việt này sẽ nhắm chủ yếu vào thị trường nông thôn, nơi thu nhập của người dân vẫn còn chưa cao.
+ Thế còn việc phát triển thương hiệu thì sao, thưa anh?
– Đây là điều mà chúng tôi đặc biệt quan tâm. Hàng năm Asanzo đều dành một khoản tiền lớn cho việc phát triển thương hiệu thông qua những chương trình quảng bá, những hoạt động văn hóa, thể thao và từ thiện xã hội. Qua những chương trình này, không những Asanzo đã góp phần giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa… Đó cũng chính là cái tâm của chúng tôi dành cho cộng đồng và cũng là cơ hội để chúng tôi tự quảng bá mình, làm cho nhiều người biết về mình hơn nữa.
+ Có được thương hiệu tốt rồi nhưng đã bao giờ anh nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cho cá nhân mình? Đâu là mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp của anh?
– Ngay từ khi rời ghế nhà trường để lao vào mưu sinh, tôi đã không từ chối bất kỳ một công việc khó nhọc nào. Chính điều đó đã rèn cho tôi bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và giúp tôi đạt được những thành quả như ngày hôm nay. Xây dựng thương hiệu cho cá nhân các doanh nhân- đó là một xu hướng tích cực, nhưng thú thật, trong suốt mấy năm qua, tôi ít khi suy nghĩ đến. Chỉ biết là phải làm việc hết mình, và vào thời điểm này, tôi không còn làm cho chính tôi mà là làm việc cho gần 1.000 con người của Asanzo, và đặc biệt hơn nữa là làm việc vì sự phát triển của cộng đồng và của đất nước.
Trong bất kỳ ngành nghề nào, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Với Asanzo, công nhân là “thượng đế”, bởi chính bàn tay và khối óc của họ trực tiếp quyết định đến chất lượng sản phẩm, năng suất và uy tín của DN.
+ Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với giới trẻ, anh muốn nói điều gì?
– Tôi muốn nói với họ rằng, doanh nhân phải là những người có tầm nhìn chiến lược và có niềm tin vào con người, đó cũng chính là một trong những nhân tố quyết định thành công của doanh nhân và doanh nghiệp. Bản thân tôi có thể đảm nhận tốt vai trò lãnh đạo chính là nhờ biết vạch định chiến lược, kế hoạch cho từng giai đoạn cụ thể và biết đặt niềm tin vào những cộng sự của mình… Con đường đến thành công của mỗi người không giống nhau, lời khuyên của tôi có thể chưa trọn vẹn, nhưng đó là những kinh nghiệm mà tôi đã rút ra từ chính những thành bại, được mất của cuộc đời mình.
Cho đến bây giờ, khi đã gây dựng được một thương hiệu có tiếng trên thị trường, tôi hiểu rằng ngoài tiền còn có rất nhiều điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Đó là khi không còn những cuộc hẹn hò và đàm đạo với các đối tác, đôi lúc tôi cảm thấy nhu cầu về nhà như một sự cân bằng mang yếu tố bắt buộc với bản thân. Ngôi nhà và những đứa con là thuốc trị bệnh hữu hiệu nhất cho những vết thương và căng thẳng stress, vướng bận ngoài thương trường và xã hội…Tôi cũng mong mỏi đem lại một tuổi thơ bình yên cho các con, điều mà bố chúng nó không may mắn có… Hạnh phúc đối với tôi còn là đem lại cuộc sống tạm đủ đầy cho những công nhân của tôi, được chứng kiến họ yêu nhau và xây dựng hạnh phúc ngay chính tại mái nhà Asanzo này… Nhiều lắm, đôi khi hạnh phúc đấy là một cái gì rất khó diễn tả…
– Xin cám ơn anh!
Suy nghĩ nhiều về con đường đi cho riêng mình, cộng với việc đối chiếu bản thân với các thương hiệu quốc tế khác, doanh nhân Phạm Văn Tam thấy mình thiếu hẳn lộ trình xây dựng thương hiệu, cũng như chiến lược kinh doanh bài bản. Và Công ty Cổ phần điện tử Asanzo ra đời năm 2013, chính là lời sửa sai cho những thiếu sót anh chưa làm được trước đó. Thời điểm đó, TV là một sản phẩm điện tử quá quen thuộc trong các gia đình Việt. Song, anh nhận thấy việc sở hữu một chiếc TV giá rẻ vẫn còn là niềm mơ ước của rất nhiều hộ gia đình. Thế nên, anh mạnh dạn chọn cho mình ngách nhỏ: Sản xuất TV giá rẻ cho thị trường nông thôn. Dốc toàn bộ vốn liếng, anh đầu tư nhà máy sản xuất TV tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (TP.HCM) với vốn đầu tư ban đầu 20 triệu đôla (khoảng 400 tỷ đồng). Hệ thống hơn 2.000 điểm bán hàng trên toàn quốc đã trở thành mối quen từ trước, anh nhanh chóng đưa sản phẩm TV màu giá rẻ phủ khắp mọi miền quê. Những năm 2013-2014, dòng tivi CRT màu có mặt trên thị trường chủ yếu là do Asanzo sản xuất.
Thu Hiền (Thực hiện)
Theo : Báo Điện tử Công Luận