Ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Asanzo: Đỉnh cao bắt đầu từ một giấc mơ

Ngày: 12/04/2017 lúc 09:15AM

Asanzo, một thương hiệu Việt vẫn còn rất mới bán được gần 300.000 Tivi LED, hơn 200.000 CRT trong năm qua. Kết quả này có được từ một tư duy sản xuất khác biệt, một chiến lược bán hàng khác biệt của một doanh nhân trẻ có cuộc đời kỳ lạ.

Tuy chưa có con số thống kê chính xác như theo dự báo của GfK Việt Nam, năm 2015, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,6 triệu chiếc tivi, tăng khoảng 15% so với năm 2014. Trong đó, chủ yếu là phân khúc màn hình kích thước 32 – 40 inch, chiếm ước chừng 45% (thị phần thế giới là 41%), phần còn lại là các phân khúc 50 – 55 inch và dưới 32 inch. Ghi nhận từ chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh, vào dịp cao điểm như mùa mua sắm cuối năm, 65 siêu thị của hệ thống đã bán ra từ 1.200 đến 1.300 chiếc/ngày. Bình quân mỗi ngày mỗi siêu thị bán được 20 chiếc tivi. Con số này chia cho các thương hiệu Samsung, Sony, LG, TCL, Sharp, Philips, Toshiba, Panasonic…  Trong đó, Asanzo, một thương hiệu vẫn còn rất mới lại bán được gần 300.000 Tivi LED, hơn 200.000 CRT. Kết quả này có được từ một tư duy sản xuất khác biệt, một chiến lược bán hàng khác biệt.

Và, người kết hợp cả hai sự khác biệt ấy là Phạm Văn Tam, cái tên vừa lạ vừa quen đang gây nhiều ngạc nhiên ở lĩnh vực kinh doanh điện tử.

Ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Asanzo: Đỉnh cao bắt đầu từ một giấc mơ
Ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Asanzo.

Từ người đai hàng đến chủ thương hiệu

Sở dĩ, bảo Phạm Văn Tam là một “người quen” vì rất ít người kinh doanh linh kiện ở khu Nhật Tảo nói riêng và cả nước nói chung không biết đến anh. Mười lăm năm trước, cậu thanh niên miền Bắc áp tải hàng từ vùng biên Quảng Ninh về “giải khát” cho thị trường TP.HCM đã trở thành một câu chuyện truyền tai nhau của người làm nghề ở đấy. Bởi, cậu thanh niên ấy đi về Nam - Bắc như con thoi, chăm chỉ và tận tụy để từng chuyến hàng kịp thời gian lắp ráp cho các hãng.

Phạm Văn Tam kể, sinh trưởng trong một gia đình không thể nghèo hơn ở Móng Cái, Quảng Ninh, từ nhỏ, ông đã cùng các thành viên trong gia đình làm thuê, thậm chí đi vác hàng qua biên giới cho các đầu nậu để kiếm sống. Là anh cả, học xong chương trình phổ thông nên quyết định kiếm nghề để giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Hai năm học việc rồi làm thợ chụp hình dạo không có câu trả lời thỏa đáng cho tương lai, ông quyết định dừng lại. Nhìn về lợi thế giáp biên của địa phương, Tam thấy không gì bằng đi buôn. Vậy là, ông chấp nhận bỏ nghề ảnh, làm lại từ đầu bằng việc sáng đi bưng phở, kiếm tiền để chiều học ngoại ngữ cho giỏi rồi sang nước láng giềng tìm hàng về kinh doanh. Ngày đó, hàng điện tử ở Việt Nam còn khan hiếm, một chiếc TV cả xóm coi chung. Đến tận bây giờ, ông vẫn xem đó là quyết định sáng suốt nhất bởi nó giúp ông thay đổi cả cuộc đời của mình cũng như cả gia đình nội ngoại. Phạm Văn Tam kể: “Đặc thù của nơi tôi sinh ra và lớn lên là nhà nhà đi buôn, người người đi buôn. Nông nghiệp thì yếu kém, cả làng sống nhờ chính sách ưu đãi thuế khi mua hàng ở biên giới nên từ nhỏ, chúng tôi đã quen với việc mua bán. Đến trường đi học nhưng hễ đến giờ chơi là cả thầy lẫn trò đều tranh thủ đi vác hàng, nghĩa là sang biên giới mua các sản phẩm miễn thuế rồi đem về đất mình, đưa lại cho thương nhân để có tiền vận chuyển”.

Ngày đó, hàng điện tử cực kỳ khan hiếm nên đây là lĩnh vực được trông đợi. Sau những ngày vác hàng thuê, ông quyết định đưa hàng đi xa hơn để có thêm nhiều lợi nhuận. Điểm đến mà Tam hướng đến là TP.HCM. “Chỉ hạn chế là xuất phát điểm tôi không có vốn nên thời gian đầu, công việc khá chậm chạp”, ông nhớ lại. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm lâu năm, Phạm Văn Tam thường chọn được hàng tốt nên bạn hàng cực kỳ tin tưởng. Có những chuyến hàng giá trị lên đến vài chục triệu đồng, bạn hàng vẫn giao tiền cho ông, nhận hàng sau dù chẳng có một hợp đồng ràng buộc nào. Chính điều này tạo điều kiện cho ông chủ động hơn và tích lũy được nhiều hơn. Ông cho biết: “Mãi đến khi tôi chủ động hơn về tài chính, tôi mới thực sự bước vào thương trường”.

Rồi thời thế thay đổi, những chiếc Tivi nội địa không còn có giá như xưa, Phạm Văn Tam chuyển sang liên kết với các DN sản xuất linh kiện điện tử ở nước ngoài, nhập hàng về cung cấp, ban đầu chỉ trong chợ Nhật Tảo rồi dần dần đi xa hơn, ra đến toàn quốc. “Mười lăm năm cần cù với nghề, nhìn lại thì những người làm cùng thời, những đối thủ cạnh tranh, đi đâu hết cả”, ông Tam nói. Phạm Văn Tam gần như “một mình một ngựa” trong lĩnh vực phân phối linh kiện. Không chỉ gây dựng ở khu vực miền Nam, hệ thống của Phạm Văn Tam trải dài khắp cả nước. Ba anh em Tam, mỗi người phụ trách một khu vực, tạo thành thế kiềng ba chân vững chắc. Phân công công việc cụ thể như thế nên hệ thống ấy vận hành trôi chảy. Khát vọng tạo dựng cơ nghiệp cho mình, cho các em của Phạm Văn Tam xem như đã đề huề. Đến tận lúc đó, cả nhà ông mới thở phào. "Lời nguyền” “Tam nam bất phú” xem như gia đình đã vượt qua.

Ông Tam nhớ lại: “Tôi có lợi thế hơn những cây đa cây đề ở chợ Nhật Tảo chỉ là tuổi trẻ, họ quen với kiểu truyền thống, đi đâu cũng vác cuốn sổ công nợ dày cộp theo mình. Còn giao thương với đối tác cũng rất dễ dàng, có khi bạn hàng với nhau cả hơn 10 năm nhưng vẫn chưa gặp mặt, chủ yếu đặt hàng là điện thoại là được. Tôi không chấp nhận điều này. Đã kết nối kinh doanh là tôi phải xuống tận nhà, biết tận mặt để xem hàng hóa của mình đi đến đâu. Việc quản lý cũng vậy, tôi tiếp cận máy tính từ khá sớm nên việc hệ thống hóa, quản lý số liệu bằng phần mềm được ứng dụng chặt chẽ. Nhiều người lúc đó thấy tôi dùng máy tính đã cười vì tôi chi li quá, tính toán từng con số lẻ nhưng thời gian đã chứng minh, sự rõ ràng trong quản lý mới giúp DN quản lý được dòng tiền của mình”.

Hơn 15 năm có mặt trên thương trường, Phạm Văn Tam bảo, điều mà ông đúc kết được từ cuộc chơi làm giàu chỉ có một chữ tín. Bởi, phải có chữ tín thì mới gây dựng và bảo vệ được DN. Tam khoe: “Hai mươi năm làm ăn, tôi đã có rất nhiều bạn hàng gửi con, cháu theo chú Tam học nghề. Họ biết tôi từ những ngày tôi còn trẻ, biết tôi không lươn lẹo, không sai lệch hay hai lời trong kinh doanh nên đặt niềm tin nơi tôi”.

Nỗi ấm ức cho ra đời một thương hiệu Việt
Ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Asanzo: Đỉnh cao bắt đầu từ một giấc mơ

Có được niềm tin ở bạn hàng nhưng ở chiều ngược lại, niềm tin của Phạm Văn Tam gửi nơi đối tác đôi lần thất vọng. Cách đây 10 năm, nhờ kết nối tốt với DN sản xuất linh kiện ở các nước, lại nắm giữ phần lớn thị phần, Phạm Văn Tam đã có thể cung cấp tất tần tật mọi thứ để những nhà sản xuất trong nước có thể lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Một lần, có một DN Việt tìm đến ông để được cung cấp trọn gói linh kiện, tiến đến sản xuất và đưa ra thị trường dòng TV thương hiệu Việt. Mong muốn đưa người bạn hàng ấy qua khó khăn, và cũng mong xây dựng được điều gì đó cho thị trường trong nước, Tam hợp tác, tư vấn nhiệt tình. Thương hiệu ấy nhanh chóng chinh phục người dùng nhưng chẳng bao lâu, mối quan hệ giữa Phạm Văn Tam và đối tác đã kết thúc để thay bằng đơn vị cung cấp mới.

Ấm ức với niềm tin của mình, Phạm Văn Tam quyết định phải có con đường mới. Ông quyết định đầu tư 400 tỷ để có một nhà máy lắp ráp các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo. “Bao nhiêu năm làm phân phối linh kiện tôi nghiệm ra, mình có làm tốt thế nào thì cũng sẽ mãi là người đứng sau. Thế giới đã phẳng, việc tìm kiếm đối tác ở công xưởng thế giới không còn là quá khó, nếu tôi không thích ứng từ bây giờ, tương lai có thể tôi sẽ mà người tụt lại phía sau”, ông thẳn thắng. Ngoài ra, theo “ông trùm” linh kiện này, còn có một lý do khác, luôn ở đó, nhen nhóm và âm ỉ trong ông từ ngày khởi nghiệp với mảng thiết bị điện tư, đó là ông muốn gây dựng một thương hiệu để chứng minh khả năng của Việt Nam, bởi công thức để sản xuất các sản phẩm điện tử thì ở đâu cũng vậy, đều dùng linh kiện từ công xưởng thế giới. Thế mạnh để cạnh tranh, là cơ cấu thế nào để phục vụ tốt nhất người dùng.

Biết sức mình nhưng khi bước ra thị trường, Phạm Văn Tam cũng không ngăn được chút lo lắng. Ông thừa nhận: “Hạn chế duy nhất của tôi là chưa biết làm thương hiệu”. Việc đầu tư nhà máy, gây dựng thương hiệu là thách thức mới để ông có thể bước qua sự ổn định của hiện tại. Asanzo, cái tên vụt đến trong những ngày “thai nghén” việc sản xuất tivi cho thị trường Việt Nam với riêng ông có khá nhiều tầng nghĩa nhưng chỉ có một mục đích: đưa đến người dùng Việt Nam nhiều cơ hội hơn để sở hữu các sản phẩm điện tử, điện máy, điện lạnh… Đó chính là lý do ngoài Tivi là mặt hàng thế mạnh, Asanzo còn mở rộng dải sản phẩm của mình ở các lĩnh vực trên. “Asanzo có thể đưa ra được các sản phẩm giá rẻ hơn các thương hiệu khác vì chúng tôi biết đích xác nhu cầu của người dùng. Ví dụ, một chiếc TV LED, trong khi các nhà sản xuất khác trang bị đến 2 cổng HDML và 4 cổng USB thì tivi của Asanzo chỉ có một, ông cắt bỏ các phụ kiện không cần thiết để tiết giảm chi phí”.

Rằng trong lẽ phải có người có ta
Ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Asanzo: Đỉnh cao bắt đầu từ một giấc mơ

Điều chỉnh những điều chưa hợp lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm là công thức để Asanzo cạnh tranh. Phạm Văn Tam tính toán: “Miếng bánh của tôi là phân khúc trung bình. Thị trường nông thôn thiếu Tivi, thiếu sản phẩm điện tử là chuyện đương nhiên nhưng ngay cả ở thành thị, cứ vào những khu công nghiệp, đến những phòng trọ của công nhân thì sẽ thấy bao nhiêu là thiếu thốn. Đời sống đó không có chỗ cho những sản phẩm đắt tiền. Đấy chính là thị trường của Asanzo, một thị trường rộng lớn mà những ông lớn không thèm để mắt đến còn những DN nhỏ khác thì vẫn chưa đủ sức để chiếm”.

Hội tụ cả hai yếu tố, chiến lược đúng và tư duy sản xuất đó, dù tham gia thị trường khá muộn, khi những tên tuổi của những doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, Sony, LG, Toshiba… đã chiếm lĩnh thị trường và những doanh nghiệp trong nước cũng đã bắt đầu “mệt mỏi” nhưng Asanzo vẫn có những cú lội ngược dòng ngoạn mục. 4.000 chiếc tivi ngay trong đợt sản xuất đầu tiên và con số cứ thế tăng dần. Năm 2014, số TV Asanzo được tiêu thụ là hơn 100.000 cái và đến nay thì con số ấy đã tăng gấp 5 lần. Điều đáng quý là Asanzo không chỉ xem chinh phục thị trường là cuộc chơi của riêng mình. Triết lý của Phạm Văn Tam vốn là “rằng trong lẽ phải có người có ta”, mình được hưởng thì cũng phải cho mọi người cùng hưởng. Chưa ai có cách làm outsource như Phạm Văn Tam. Ông tìm đến các đơn vị sản xuất nhỏ, đặt hàng, vừa đầu tư khuôn, nguyên liệu… cho họ sản xuất. “Các hãng điện tử khi đến Việt Nam cứ hay than Việt Nam không có công nghiệp phụ trợ nhưng quên mất là xuất phát điểm của Việt Nam trong ngành là rất thấp. Phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN nhỏ thì họ mới có khả năng làm cho mình chứ!”, ông chia sẻ.

Dù Asanzo vẫn đều đặn tổ chức những chuyến từ thiện bằng nhiều hình thức, tài trợ các chương trình xây dựng, đến với cộng đồng nhưng Phạm Văn Tam vẫn cảm thấy mình chưa làm được nhiều điều có ích. Ông cho biết, Asanzo đang tiến hành thành thủ tục để thành lập quỹ Nhân tài khuyết tật, hướng đến cấp học bổng đào tạo nghề cho những người kém may mắn về hình thể. Dự án này giúp họ được học nghề theo ý nhưng nếu họ chọn ngành điện tử, còn Asanzo sẽ đảm nhận đầu ra, nhận các bạn ấy vào làm tại nhà máy của mình. “Tôi nghĩ, dự án này có thể giúp Asanzo có thêm nguồn nhân lực và phần nào giải quyết được khó khăn của xã hội”, ông nói nhỏ nhẹ như thế về một dự án lớn đang dần hình thành.

(theo báo: E-Doanh Nghiệp)
My ASANZO
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục
Chat hỗ trợ
Chat ngay