GIÁM ĐỐC ASANZO: TỪ THỢ ÁP TẢI HÀNG ĐẾN CHỦ DOANH NGHIỆP NGÀN TỶ

Ngày: 11/04/2017 lúc 18:19PM

Kinh doanh tăng trưởng chóng mặt khiến chính ông Phạm Văn Tam, Giám đốc công ty cổ phần Ðiện tử Asanzo Việt Nam cũng không khỏi ngỡ ngàng.


Mặc dù mới có mặt trên thị trường từ hơn 1 năm trở lại đây, nhưng cái tên Asanzo đã trở nên quen thuộc với nhiều gia đình Việt Nam, đặc biệt là ở mặt hàng tivi.

Phạm Văn Tam, Giám đốc Asanzo ước tính, năm nay số lượng tivi hiệu Asanzo bán ra thị trường khoảng 400.000 chiếc, một con số không nhỏ trong tổng số khoảng 3 triệu tivi tiêu thụ hằng năm tại thị trường Việt Nam. Doanh nhân 8X này đã chia sẻ về hành trình chinh phục thị trường – vốn đang chủ yếu nằm trong tay các thương hiệu ngoại.

Thị trường ngách nông thôn

– Mới có mặt trên thị trường hơn 1 năm trở lại đây, nhưng cái tên tivi Asanzo đã trở nên quen thuộc với nhiều hộ gia đình Việt. Anh đã làm thế nào trong bối cảnh các thương hiệu ngoại cạnh tranh khốc liệt, còn các thương hiệu trong nước thì dần dần vắng bóng?

Trong các mặt hàng điện tử gia dụng, tôi nghĩ tivi là mặt hàng thiết yếu nhất và thị trường Việt Nam đang thiếu nhiều nhất.

Đây cũng là mặt hàng mang lại doanh số lớn nhất. Trong khi các thương hiệu ngoại chú trọng phân khúc cao cấp thì nhiều thương hiệu nội địa do mải mê xuất khẩu mà không chăm chút phát triển thị trường trong nước.

Tôi đã đi nhiều miền quê và thấy rằng, vẫn còn rất nhiều hộ gia đình mong muốn sở hữu 1 chiếc tivi với giá vừa phải mà vẫn đảm bảo chất lượng. Ngay cả ở các thành phố lớn, công nhân tại các khu công nghiệp cũng rất thiếu tivi. Tôi nhận định, đây chính là thị trường rộng lớn mà mình phải chinh phục.

Tôi đã gom hết vốn liếng tích lũy được từ hơn 10 năm trước để mở một nhà máy tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc với vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng) và tập trung sản xuất dòng tivi LED phục vụ phân khúc bình dân, một thị trường mà các ông lớn không thèm để mắt tới do lợi nhuận thấp, trong khi các doanh nghiệp nhỏ trong nước lại không đủ tiềm lực đầu tư.

– Một mình bươn chải ở đất Sài Gòn, từ bán linh kiện điện tử mà dám đầu tư cả nhà máy sản xuất quy mô 400 tỷ, anh thấy mình mạo hiểm không?

Việc kinh doanh linh kiện điện tử và mở công ty với tôi là một mối duyên. Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm ở Quảng Ninh, thế nhưng tôi lại không thích nghề này. Một người cậu của tôi đã hướng tôi theo nghiệp chụp hình bởi theo cậu: “Trông mày trắng trẻo, sạch sẽ, làm gốm thì suốt ngày lem luốc”.

Nhà tôi ngay giáp biên giới, việc buôn hàng điện tử khi đó rất lời nên nhà nhà đi “đánh” hàng từ biên giới, người người đi áp tải hàng để kiếm tiền.

Trong một lần tình cờ, tôi được bố của một người bạn, chính là một ông chủ buôn hàng điện tử, tin tưởng giao cho áp tải hàng vào Nam. Không anh em bà con thân thích trong Nam, nhưng nghĩ được đi xa là thích nên tôi gật đầu đồng ý.

Thấy tôi thật thà, ông chủ nhờ tôi ở lại trông coi rồi đem giao hàng cho các mối ở chợ Nhật Tảo. Dần dà, các tiểu thương quen mặt, họ thấy tôi coi trọng uy tín, không bao giờ thất hẹn nên truyền đạt cho tôi kinh nghiệm buôn bán.







Hiện nay, có tới 70% doanh thu của Asanzo đến từ mảng tivi

Trong khi đó, những ông chủ của tôi vì có tiền mà sinh ra ăn chơi sa ngã, chẳng mấy chốc cơ nghiệp tiêu tan.

Các tiểu thương tin tưởng nên bảo tôi đánh hàng trực tiếp cho họ. Để có nguồn hàng chất lượng và ổn định, tôi qua tận Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… tìm hàng. Ngày càng nhiều mối tìm đến tôi để đặt linh kiện.

Tôi thấy mình bán cho họ đầy đủ tất cả chủng loại linh kiện, họ chỉ về lắp ráp, gắn thương hiệu riêng vào và bán thành phẩm rất đơn giản, nhưng thú thật là tôi chẳng quan tâm. Lúc đó tôi nghĩ cứ đánh chuyến hàng nào ăn tiền chuyến đó chứ bán sản phẩm lại phải lo khâu bảo hành, chăm sóc khách hàng rườm rà quá. Mãi 8 năm sau tôi mới làm công việc lắp ráp thành phẩm như họ.

– Người tiêu dùng có băn khoăn về chất lượng sản phẩm do giá rẻ không, thưa anh?

Thực ra tivi của Asanzo rẻ hơn nhiều so với các thương hiệu tivi khác, nhưng chất lượng thì tôi dám tự tin là không hề thua kém. Asanzo sử dụng công nghệ Nhật. Chúng tôi cũng dùng màn hình của Samsung, một vài linh kiện khác của LG, Toshiba…

Điều khác biệt chính là việc tôi đã cắt giảm đáng kể các công năng không cần thiết của một chiếc tivi, từ đó giúp giảm giá thành. Chẳng hạn, nếu bạn để ý sẽ thấy, tivi của các thương hiệu ngoại thường dùng tới 2 cổng HDMI và 4 cổng USB trong khi không mấy người tiêu dùng cần tới.

Đây chính là những phụ kiện không cần thiết, nhưng lại góp phần làm giá thành đội lên và cũng là “bí quyết” giúp Asanzo chinh phục thị trường bình dân.

Sản xuất Smart tivi sẽ cho lợi nhuận nhiều hơn. Đổi lại, việc sản xuất tivi LED giá rẻ giúp chúng tôi bán được số lượng lớn hơn, dù mức lợi nhuận chỉ khoảng 5-7%.

– Số lượng lớn là bao nhiêu?

Ban đầu tôi giao chỉ tiêu cho nhân viên là mỗi tháng bán được 2.000 chiếc. Nhưng mẻ hàng đầu tiên tung ra thị trường, chúng tôi đã bán gọn 4.000 chiếc tivi chỉ trong thời gian ngắn. Lúc đó công ty chỉ có 2 dây chuyền sản xuất.

Hàng làm không đủ cung cấp ra thị trường, cứ mỗi 2-3 tháng tôi lại phải tăng thêm 1 dây chuyền sản xuất. Hiện nay chúng tôi có 7 dây chuyền với lượng hàng bán ra không dưới 40.000 chiếc tivi mỗi tháng. Công nhân của tôi luôn trong tình trạng phải tăng ca, làm cả ngày nghỉ lễ, chủ nhật.

Năm ngoái doanh thu của công ty đạt hơn 800 tỷ đồng. Tôi dự tính năm nay doanh số nằm ở mức 2.200 tỷ đồng, nhưng có thể sẽ vượt mức này.

Có nhiều bạn hàng nước ngoài đặt hàng, nhưng chúng tôi không đủ cung ứng nên đã từ chối. Hơn nữa, tôi muốn đứng vững tại thị trường trong nước rồi mới hướng tới xuất khẩu.

Điều khác biệt chính là việc tôi đã cắt giảm đáng kể các công năng không cần thiết của một chiếc tivi, từ đó giúp giảm giá thành

– Mới hơn 1 năm có mặt trên thị trường mà anh đã xây dựng được cơ nghiệp nghìn tỷ, anh có thấy mình may mắn không?

Một phần là may mắn, nhưng trên hết là do chúng tôi đã đưa ra thị trường một sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp, đánh trúng nhu cầu người tiêu dùng. Hơn nữa, lần này tôi đã có tư duy nghiêm túc hơn về vấn đề xây dựng thương hiệu. Nếu một sản phẩm tốt mà không đầu tư xây dựng thương hiệu cũng khó có thể tiến xa được.

– Nói như vậy là anh đã từng có những thương hiệu không thành công trước đó?

Cũng không hẳn là không thành công. Trước Asanzo, tôi từng đầu tư sản xuất các dòng sản phẩm mang tên FUJIKO, sản phẩm làm ra bán rất chạy, đặc biệt là ở thị trường nông thôn.

Lúc đó tôi chỉ nghĩ là mình phải đặt cho sản phẩm của mình một cái tên dễ nhớ để bán hàng chứ chẳng để ý gì đến việc xây dựng thương hiệu. Nhưng càng bán thì tôi càng thấy sản phẩm không thể đi xa hơn được, đến một độ nhất định thì không tăng trưởng thêm được nữa.

Đến Supo Việt sau này cũng vậy, sản phẩm làm ra bán chạy nhưng cũng không tăng trưởng đột phá.

Từ thất bại của mình trước đó cộng với kinh nghiệm của những người đi trước như Viettronic Tân Bình, Hanel, Kangaroo, Sunhouse… tôi thấy rằng, nếu muốn sản phẩm mình đi xa hơn nữa, tôi không nên chỉ “chăm sóc” cho các nhà phân phối để họ lấy hàng của tôi mà quan trọng hơn, tôi phải xây dựng được thương hiệu để bất kỳ người tiêu dùng nào cũng biết đến, như vậy sẽ phát triển xa hơn và bền hơn.

Đó là lý do mà đến năm 2015, khi thành lập Asanzo, tôi đã chăm chút cho việc quảng bá thương hiệu ngay từ đầu.

Ban đầu tôi rải hàng khắp hơn 2.000 điểm bán trên toàn quốc mà tôi đã xây dựng được từ trước đó để hàng hóa phủ kín mọi miền quê. Sau đó tôi mới làm các chương trình truyền thông, quảng cáo để mọi người biết đây chính là thương hiệu Việt Nam, sử dụng công nghệ Nhật Bản, giá phải chăng trong khi chất lượng vẫn đảm bảo.

– Việc xây dựng thương hiệu của anh có vẻ hơi “ngược” khi mà thị trường nông thôn thì dày đặc trong khi ở thành phố, không dễ tìm tivi thương hiệu Asanzo?

Trước đây, do chiến lược đánh vào phân khúc bình dân, chúng tôi không chú trọng việc xây dựng hình ảnh ở thị trường thành thị. Giờ đây tôi nhận ra rằng, thị trường thành thị cũng hết sức tiềm năng và việc đa dạng các phân khúc khách hàng là hết sức cần thiết để tạo bước đệm nếu muốn đưa doanh nghiệp phát triển lên tầm cao hơn.

Thời gian gần đây, bên cạnh phân khúc giá rẻ, chúng tôi đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mới như smart tivi, tivi màn hình cong. Tôi cũng tung ra dòng sản phẩm máy lạnh giá rẻ chỉ khoảng 4-4,2 triệu đồng/ chiếc. Sắp tới chúng tôi sẽ còn tung ra thị trường sản phẩm tủ lạnh Asanzo nữa.

Song song với việc đa dạng hóa sản phẩm, chúng tôi cũng đưa hàng vào một số hệ thống bán lẻ hiện đại nhưng rất chọn lọc. Chẳng hạn, hiện tại chúng tôi chỉ mới đưa hàng vào Điện máy xanh và Chợ Lớn.

2 hệ thống này đang bán rất tốt hàng của Asanzo. Tôi không muốn đưa hàng vào nhiều hệ thống siêu thị để tránh tình trạng các siêu thị cạnh tranh với nhau làm cho sản phẩm bị loạn giá.

Nếu muốn sản phẩm mình đi xa hơn thì chỉ “chăm sóc” các nhà phân phối là chưa đủ mà phải xây dựng được thương hiệu để bất kỳ người tiêu dùng nào cũng biết đến

– Có vẻ như Asanzo không chỉ muốn dừng lại ở việc sản xuất hàng điện tử và hàng gia dụng?

Đúng vậy. Hiện nay, trong cơ cấu doanh thu của Asanzo, tivi vẫn đang nắm chủ lực với 70%, hàng gia dụng 10%, còn lại là các sản phẩm quạt làm mát. Mong muốn của tôi là xây dựng Asanzo thành thương hiệu điện tử, điện lạnh, gia dụng mạnh, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu. Để làm được điều này, chúng tôi buộc phải mở rộng quy mô hơn nữa.

Hiện nay, tại thị trường miền Bắc, sản phẩm của Asanzo vẫn luôn bị thiếu hàng. Năm tới đây, chúng tôi dự định sẽ đầu tư một nhà máy tại khu vực phía Bắc để cung ứng cho thị trường này, đồng thời giảm được chi phí vận chuyển hàng từ Nam ra Bắc.

– Anh có sợ trong tương lai sẽ bị các thương hiệu ngoại “nuốt chửng” hay không?

Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó. Tuy nhiên, nếu mình tạo ra được một thương hiệu Việt tốt, khiến các đối thủ nước ngoài quan tâm và muốn mua lại thì đó cũng là điều đáng mừng.

– Điều hành một doanh nghiệp 400 nhân viên với anh có quá bận rộn hay không? Thời gian rảnh anh thường làm gì?

Thực ra bây giờ việc điều hành khá đơn giản, chỉ cần 1 chiếc smartphone là mọi việc trở nên khá dễ dàng. Tuy nhiên tôi vẫn tranh thủ mọi thời gian để có thể đi tỉnh, đến tận các điểm bán để sâu sát hơn hoạt động kinh doanh. Buổi sáng nếu không có hẹn bên ngoài, tôi ăn sáng ở nhà với vợ và các con. Tôi thường đi làm với cặp lồng cơm vợ chuẩn bị (cười).

– Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Lê Dung
thực hiện

My ASANZO
BÌNH LUẬN
Tin cùng chuyên mục
Chat hỗ trợ
Chat ngay