Asanzo bước vào đấu trường smartphone
Từ bỏ dòng sản phẩm truyền thống là TV màn hình CRT, Asanzo đã đầu tư khoảng 2 triệu USD để thử nghiệm thị trường mới là smartphone.
Được mệnh danh là vua của dòng Tv màn hình CRT giá rẻ, chuyên phục vụ thị trường nông thôn nhưng trong chiến lược kinh doanh mới đây, Asanzo đang tìm cách ghi tên mình trong thị trường smartphone, vốn khắc nghiệt hơn nhiều.
“Asanzo không còn kinh doanh TV màn hình CRT mà giao lại cho đối tác”, ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Công ty Asanzo, bắt đầu câu chuyện bằng việc tuyên bố từ bỏ dòng sản phẩm đã đưa Công ty lên ngôi vương chỉ sau 2 năm thành lập.
Mảng TV của Asanzo giờ được chuyển sang các sản phẩm TV LED và TV thông minh, vốn đã tiêu thụ được hơn 180.000 chiếc từ đầu năm đến nay, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực ra, đây là một phần trong kế hoạch kinh doanh mới, trong đó chú trọng vào việc nâng cấp thương hiệu Asanzo. Gia nhập smartphone cũng là một quyết định quan trọng của chiến lược này.
Chỉ tay vào các mẫu smartphone thử nghiệm trên màn hình điện thoại, ông Tam cho biết khoảng tháng 6 năm nay, sẽ có smartphone thương hiệu Asanzo gia nhập thị trường và Công ty vẫn trung thành với chiến lược giá rẻ và nông thôn vẫn sẽ là thị trường chính của dòng sản phẩm này.
Cùng với TV, smartphone có tỉ suất lợi nhuận khoảng 10%. Trong thời gian qua, Asanzo đã cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm từ thiết bị điện lạnh như máy lạnh, quạt làm mát cho đến các thiết bị điện gia dụng như bình đun siêu tốc, nồi cơm điện… “Dù các sản phẩm này bán khá tốt, tỉ suất lợi nhuận cao hơn so với TV, khoảng 20-30%, nhưng tôi cảm thấy có vẻ như thương hiệu Asanzo đang đi lùi về mặt công nghệ. Vì thế, cần phải có smartphone Asanzo”, ông nói.
Ngay tối hôm đó, chỉ vài tiếng sau khi ông chủ Asanzo khẳng định sẽ tham gia vào thị trường smartphone là thời điểm hãng điện thoại Oppo ra mắt sản phẩm mới. Dưới ánh đèn rực rỡ, âm thanh nhộn nhịp kết hợp sân khấu được thiết kế như trong các chương trình ca nhạc dành cho giới trẻ, ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Marketing Oppo, công bố mức giá mẫu F3 Plus là hơn 10 triệu đồng. Đúng như cam kết của ông Cường trước đây, Oppo sẽ kinh doanh các dòng sản phẩm cao cấp để tăng lợi nhuận sau một thời gian dài chứng minh chất lượng. Mặc dù vậy, giới kinh doanh vẫn bảo Oppo “đánh bạc” với mẫu điện thoại mới vì theo thống kê của IDC Việt Nam, giá trung bình của các mẫu điện thoại bán ra trong năm 2016 chỉ bằng một nửa F3 Plus.
Có lẽ sau Samsung, Oppo là đơn vị kinh doanh smartphone hiếm hoi có các buổi ra mắt sản phẩm hoành tráng. Thực ra để bán các mẫu điện thoại đắt tiền, Oppo buộc phải làm như vậy. Vì ở Việt Nam, không ai mua một chiếc điện thoại hơn 10 triệu đồng mà không được truyền thông rộng rãi.
Samsung Việt Nam dẫn đầu về ngân sách tiếp thị, giúp thương hiệu Hàn Quốc này dẫn đầu thị trường smartphone với 28% thị phần, theo IDC Việt Nam. Với tỉ lệ gần 25% và đứng thứ nhì, Oppo được cho là chi tiếp thị cũng đậm không kém gì Samsung với rất nhiều chương trình truyền hình. Đáng chú ý ở chỗ, Oppo không chỉ tập trung vào thị trường thành phố mà còn mở rộng sang các tỉnh, thành trên cả nước. Trong khi đó, các hãng điện thoại Việt Nam, vốn yếu hơn về tiềm lực tài chính thì rơi rụng dần. Từ các cái tên như FPT, BKAV, Mobiistar, Q-Mobile.., nay chỉ còn 2 doanh nghiệp bám trụ là Mobiistar và Masscom.
Nhưng ông chủ Asanzo lại có cái nhìn khác. Hiện Công ty nắm trong tay khoảng 6.000 điểm bán hàng, cả kênh hiện đại lẫn truyền thống, trên toàn quốc. Song song đó là đội ngũ giao nhận được đầu tư khá bài bản, có thể giao hàng trong vòng 24 tiếng nhờ hệ thống tổng kho đặt ở 3 vùng. “Có những cửa hàng Điện Máy Xanh nằm trong huyện, xã, Asanzo vẫn giao hàng tới nơi”, ông Tam nói. Công ty cũng không áp doanh số các cửa hàng, cho nợ 7 ngày với các kênh truyền thống và 2 tháng với các kênh hiện đại. Ông Tam cho biết vốn lưu động của Asanzo hiện khoảng 400 tỉ đồng.
Với sản phẩm smartphone, Công ty đầu tư khoảng 2 triệu USD để thử nghiệm thị trường. Các bước chuẩn bị đã hoàn tất, phần mềm thì đã thuê đội ngũ nước ngoài phát triển và mua bản quyền của Google. Điều có thể gây trở ngại chính của Asanzo là không phải điểm bán hàng hiện tại nào cũng phù hợp với việc bán smartphone vì khách hàng ở nông thôn không quen mua điện thoại ở các cửa điểm chuyên kinh doanh hàng điện lạnh, điện gia dụng. Chính vì thế, Công ty sẽ liên kết với các cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại ở nông thôn, dự kiến sẽ đạt 1.500 điểm vào cuối năm nay.
Theo ông Tam, mục tiêu của Asanzo là “phục vụ nhóm khách hàng hiện có. Do đó, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chí như giá cạnh tranh, thiết kế đẹp và chất lượng dịch vụ tốt”. Asanzo đã tạo được niềm tin về việc một doanh nghiệp Việt có thể sống khỏe trong thị trường TV cạnh tranh khắc nghiệt. Bây giờ, Asanzo phải chuyển được niềm tin này vào một thị trường còn khắc nghiệt hơn là smartphone.
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/ict/asanzo-buoc-vao-dau-truong-smartphone-3318299/